loi, bai, hat, lời bài hát

Thứ Sáu, 12 tháng 12, 2014

TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ CÔNG TÁC THANH TRA


Nội dung tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác thanh tra là hệ thống các quan điểm của Người về công tác thanh tra, kiểm tra; giải quyết khiếu nại, tố cáo; chống tham ô, lãng phí, chống bệnh quan liêu; về các yêu cầu của Người đối với đội ngũ cán bộ thanh tra…

 Vị trí, vai trò của công tác thanh tra; mục đích hoạt động thanh tra

1.1.1. Vị trí, vai trò của công tác thanh tra

a) Thanh tra là công tác quan trọng và có tính chất thường xuyên của cơ quan lãnh đạo của Đảng và Nhà nước các cấp
Ngay từ những ngày đầu lập nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã rất chú ý tới việc sử dụng, phát huy vai trò công tác thanh tra. Tại cuộc họp Chính phủ ngày 13/11/1945, Hồ Chủ tịch đề nghị “các Bộ trưởng có thể chia nhau đi thanh tra một khu vực gần Hà Nội. Bộ Nội Vụ sẽ khảo cứu và lập một chương trình về việc này”. Ngày 23/11/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh 64/SL thành lập Ban Thanh tra đặc biệt, có nhiệm vụ giám sát tất cả công việc và các nhân viên của Uỷ ban nhân dân và các cơ quan của Chính phủ.

Vị trí, vai trò quan trọng của công tác thanh tra được thể hiện trong nhiều bài viết, bài nói, chỉ thị của Hồ Chủ tịch ở nhiều lúc, nhiều nơi. Tại Hội nghị tổng kết thanh tra toàn miền Bắc tháng 4 năm 1957, Hồ Chủ tịch căn dặn “cán bộ thanh tra giúp trên hiểu biết tình hình địa phương và cấp dưới, đồng thời cũng giúp cho các cấp địa phương kịp thời sửa chữa, uốn nắn nếu làm sai, hoặc làm chậm. Cho nên trách nhiệm của công tác thanh tra là quan trọng”[5].

Vai trò của các cơ quan thanh tra được thể hiện ngay từ Sắc lệnh số 64/SL ngày 23 tháng 11 năm 1945 thành lập Ban Thanh tra đặc biệt. Tại Sắc lệnh này quy định Ban Thanh tra đặc biệt có toàn quyền “nhận các đơn khiếu nại của nhân dân; điều tra, hỏi chứng, xem xét các tài liệu giấy tờ của UBHC hoặc các cơ quan của Chính phủ cần thiết cho công việc giám sát; đình chức, bắt giam bất cứ nhân viên nào trong UBHC hay của Chính phủ đã phạm lỗi”.

Công tác thanh tra cũng là một biện pháp quan trọng trong việc ngăn ngừa, phát hiện và xử lý những hành vi vi phạm pháp luật. Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, quản lý mà thiếu sự kiểm tra, thanh tra thì sẽ dẫn đến bệnh quan liêu, tham ô, lãng phí và chỉ có tăng cường kiểm tra, kiểm soát thì mới chống được các tệ nạn này. Người nói “muốn chống bệnh quan liêu, bệnh bàn giấy; muốn biết các nghị quyết có được thi hành không, thi hành có đúng không; muốn biết ai ra sức làm, ai làm cho qua chuyện, chỉ có một cách là khéo kiểm soát”[6].

Cùng với việc phát hiện và xử lý các vi phạm pháp luật, thanh tra còn đóng vai trò như một biện pháp phòng ngừa hữu hiệu các vi phạm pháp luật. Thanh tra cùng với các phương thức kiểm tra, giám sát luôn là hiện thân của kỷ cương pháp luật; công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát dù được thực hiện dưới bất cứ hình thức nào, cũng luôn có tác dụng hạn chế, răn đe những hành vi vi phạm pháp luật của các đối tượng quản lý. Mặt khác, các giải pháp được đưa ra từ hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát không chỉ hướng vào việc xử lý các hành vi vi phạm pháp luật, mà còn có tác dụng khắc phục các kẽ hở của chính sách, pháp luật, ngăn ngừa tận gốc mầm mống phát sinh những vi phạm pháp luật.

Tại Hội nghị cán bộ thanh tra toàn miền Bắc lần thứ nhất ngày 19/4/1957, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói “nếu Trung ương Đảng, Chính phủ có nghị quyết, chỉ thị đưa về các ngành, các địa phương, kết quả thế nào không có thanh tra khó mà biết được địa phương nào làm tốt, làm vừa, làm xấu; có làm hay không làm trên không biết; địa phương nhiều khi tự mình cũng không biết; trên không thấu dưới; dưới không thấu trên. Thanh tra là để theo dõi xem các kế hoạch, chỉ thị, chính sách đó, các địa phương đã chấp hành thế nào”[7].

Xuất phát từ vị trí, vai trò của công tác thanh tra là một nội dung, một phương thức thực hiện sự lãnh đạo của các cấp uỷ Đảng và sự chỉ đạo, điều hành của chính quyền các cấp, do vậy sự lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên của các cơ quan lãnh đạo Đảng và Nhà nước có ý nghĩa quyết định đến hiệu lực, hiệu quả thanh tra. Thực tiễn công tác thanh tra thời gian qua cho thấy, địa phương nào, ngành nào chú trọng đến công tác thanh tra thì địa phương đó, ngành đó thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước, ít có khiếu nại, tố cáo; ngược lại nơi nào không chú trọng đúng mức đến công tác thanh tra, kiểm tra thì nơi đó không thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của mình.

Thanh tra là công tác quan trọng, vì vậy Đảng và Nhà nước phải chú trọng đến công tác xây dựng tổ chức và bố trí cán bộ làm công tác thanh tra, nhằm đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra. Cần phải quán triệt sâu sắc các quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về bố trí cán bộ và về tổ chức đối với công tác thanh tra.

Hồ Chủ tịch khẳng định, tăng cường công tác tổ chức, cán bộ thanh tra cả về số lượng và chất lượng, đặc biệt là chất lượng, là một yêu cầu cần thiết để công tác thanh tra phát huy được vai trò của mình. Tại Hội nghị cán bộ thanh tra toàn miền Bắc năm 1960, Hồ Chủ tịch huấn thị “Một số ban thanh tra chưa được củng cố, cán bộ còn thiếu vì các cấp lãnh đạo địa phương chưa nhận rõ công tác thanh tra là quan trọng, nên chưa chú ý tăng cường cán bộ đúng mức, chưa giúp đỡ, lãnh đạo nó một cách chặt chẽ”[8].

Củng cố tổ chức, đáp ứng đủ số lượng cán bộ làm công tác thanh tra là mộtyêu cầu quan trọng, tuy nhiên điều quan trọng hơn là phải nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ thanh tra. Lựa chọn, bố trí người làm công tác thanh tra đáp ứng được các yêu cầu về phẩm chất, năng lực, kinh nghiệm là yêu cầu tiên quyết để nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác thanh tra. Cần phải thấm nhuần quan điểm của Hồ Chủ tịch về bố trí cán bộ làm công tác thanh tra “Không thể gặp ai cũng phái đi kiểm tra. Người lãnh đạo phải tự mình làm việc kiểm tra mới đủ kinh nghiệm và oai tín. Nhưng người lãnh đạo cần phải có một nhóm cán bộ nhiều kinh nghiệm và giàu năng lực để giúp mình đi kiểm tra”[9].

Theo quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, vì thanh tra là công tác quan trọng của cơ quan lãnh đạo Đảng và Nhà nước, do đó phải được tiến hành thường xuyên. Công tác thanh tra nếu không được tiến hành thường xuyên tất yếu sẽ dẫn tới bệnh quan liêu, mệnh lệnh và từ đó sẽ tiếp tục gây ra những tác hại to lớn khác cho sự nghiệp cách mạng. Trên thực tế có không ít lãnh đạo địa phương, đơn vị chưa coi trọng vai trò công tác thanh tra, kiểm tra dẫn tới kỷ luật không được thi hành nghiêm túc, dân chủ không được bảo đảm, khiếu kiện của nhân dân dai dẳng, phức tạp... làm tốn rất nhiều tiền của và công sức của các cơ quan Nhà nước để giải quyết.

Thông qua công tác thanh tra, kiểm tra mới biết chủ trương, nghị quyết của Đảng, cơ chế, chính sách của Nhà nước đi vào cuộc sống ra sao? Có được thực hiện đầy đủ hay không? Cũng qua việc thường xuyên thanh tra, kiểm tra mà các nhà lãnh đạo, quản lý có được những thông tin phản hồi từ thực tế cuộc sống, đó là những dữ liệu quan trọng để đề ra những chủ trương, chính sách sát hợp với đòi hỏi của thực tiễn.

Thanh tra thường xuyên là một yêu cầu không thể thiếu nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước. Muốn đảm bảo tính thường xuyên của công tác thanh tra, yêu cầu cần thiết đặt ra là người lãnh đạo, quản lý phải tạo điều kiện cho tổ chức thanh tra hoạt động theo đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn. Hoạt động thanh tra phải được bảo đảm tính độc lập tương đối, thanh tra phải tuân theo pháp luật, chỉ tuân theo pháp luật và không ai được cản trở hoạt động thanh tra. Tính thường xuyên trong hoạt động thanh tra do chính đặc điểm, tính chất của hoạt động chấp hành, điều hành trong quản lý hành chính Nhà nước quyết định và có mốiquan hệ chặt chẽ với yêu cầu kịp thời của việc ra các quyết định lãnh đạo, quản lý. Thực tế đã chứng minh trong nhiều tình huống, các biện pháp quản lý nếu được áp dụng kịp thời thì sẽ giải quyết được những vấn đề, nhưng cũng với biện pháp đó, nếu chậm được áp dụng thì sẽ không giải quyết được tình huống, thậm chí còn phản tác dụng. Đích thân Hồ Chủ tịch, sau khi nghe báo cáo của cán bộ thanh tra, đã có thư xin lỗi gửi đồng bào liên khu IV về việc cán bộ ở mộtvài nơi làm sai Chỉ thị của Chính phủ và đường lối của Đoàn thể trong quan hệ với người dân. Đó là một minh chứng sinh động cho việc người lãnh đạo kịp thời xử lý những vấn đề do thanh tra đề xuất, kiến nghị.

b) “Thanh tra là tai mắt của trên, là người bạn của dưới” đây là quan điểm có ý nghĩa chỉ đạo thực tiễn rất sâu sắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ vị trí và vai trò đặc biệt của thanh tra trong hoạt động của nhà nước và đời sống xã hội. Người đã ví thanh tra quan trọng như tai mắt của con người - như bộ phận cấu thành cơ thể con người, là phương tiện cực kỳ trọng yếu giúp cho con người nhận thức và phát triển trí tuệ. Điều đó có nghĩa là, cũng giống như tai mắt của cơ thể con người, thanh tra được Chủ tịch Hồ Chí Minh xem như là một bộ phận cấu thành hữu cơ của quản lý nhà nước, là phương tiện nhận thức của quá trình quản lý nhà nước. Giữa chúng không có khoảng cách. Bởi quản lý nhà nước, quản lý xã hội mà không có thanh tra, kiểm tra xem như không có quản lý. Nếu tách rời thanh tra, kiểm tra khỏi quản lý nhà nước, quản lý xã hội thì khác nào tách rời cái tai, cái mắt khỏi cơ thể con người; tách rời phương tiện nhận thức và phát triển trí tuệ của con người ra khỏi con người. Cũng với tư tưởng đề cao vai trò của thanh tra trong quản lý nhà nước, ba năm sau, tại Hội nghị cán bộ thanh tra toàn quốc (05/3/1960) Chủ tịch Hồ Chí Minh lại nhấn mạnh: “có thể nói, cán bộ thanh tra là tai mắt của Đảng và Chính phủ, tai có sáng suốt thì người mới sáng suốt”[10]. Lần này, Người chỉ ra một cách cụ thể rằng Đảng và Chính phủ là những thực thể lãnh đạo và quản lý đất nước không được tách rời lãnh đạo, quản lý với kiểm tra, thanh tra. Đảng và Chính phủ phải phát huy vai trò của kiểm tra, thanh tra, phải gắn bó với nó trong quá trình lãnh đạo, quản lý. Phải xem thanh tra, kiểm tra là một khâu quan trọng không thể thiếu được trong lãnh đạo, quản lý và điều hành của những người đứng đầu các cơ quan Đảng và nhà nước. Bởi qua kiểm tra, thanh tra giúp cho người lãnh đạo, quản lý cấp trên thấy được những yếu kém, thiếu sót, những điểm chưa phù hợp, thiếu đồng bộ của đường lối chính sách, của hệ thống pháp luật, đánh giá được năng lực, trách nhiệm điều hành và quản lý của người lãnh đạo, quản lý cấp dưới, đánh giá một cách đầy đủ, đúng đắn nơi nào, cá nhân nào làm tốt hoặc làm chưa tốt để biểu dương, uốn nắm kịp thời. Đúng là, khi ví “Thanh tra là tai mắt của trên, là người bạn của dưới” Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ ra một cách sâu sắc rằng, thanh tra không chỉ có vai trò giúp cho người lãnh đạo, quản lý xem xét đường lối chủ trương, chính sách và pháp luật của Đảng và nhà nước đề ra có được thực hiện hay không, được thực hiện như thế nào và đến đâu; mà còn có vai trò giúp xem xét lại chính chủ trương, chính sách và pháp luật của mình đề ra đúng hay không đúng. Như vậy, đối với người lãnh đạo và quản lý thì thanh tra đúng là phương tiện nhằm nhận thức và phát triển tư duy, kiểm tra lại chính mình, để chủ động điều chỉnh lại chủ trương, chính sách và pháp luật cho phù hợp với quá trình quản lý nhà nước. Làm được điều đó, thanh tra chính là “tai mắt của trên”.

Cùng với vai trò là “tai mắt của trên”, thanh tra còn là “bạn của dưới”. Điều đó có nghĩa là đối với những người là lãnh đạo quản lý cấp dưới thì thanh tra chính là người bạn giúp mình nhìn thấy, biết được, phát hiện và chỉ cho mình thấy được những việc mình làm đúng, làm tốt để tiếp tục phát huy, những việc làm sai, làm không đầy đủ, làm thiếu trách nhiệm để khắc phục sửa chữa nâng cao năng lực và trách nhiệm của mình. Như vậy, thanh tra chính là người bạn, người giúp đỡ mình trong quá trình thực thi nhiệm vụ quản lý nhà nước. Vậy mà không ít người nhận thức không đầy đủ, chẳng những không coi trọng thanh tra mà còn sợ hãi thanh tra, tìm cách lảng tránh thanh tra. Đúng như Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã có lần đến thăm và nói chuyện với Hội nghị thanh tra (24/3/1972) rằng: “Vị trí và tầm quan trọng, tác dụng của công tác thanh tra là ở chỗ nó phải phát hiện cho mình những cái mà mình cần biết, nó thường xuyên là tai mắt của mình, nó biết nhìn, biết thấy, biết phát hiện và biết chỉ cho mình những cái mà mình cần biết. Cho nên hôm nay tôi nói với các đồng chí điểm này để các đồng chí chú ý. Các đồng chí không coi trọng thanh tra tức là tước một cái vũ khí cần thiết của người lãnh đạo, không tài gì mình thấy hết đâu”.

Thanh tra chỉ có thể đảm đương được vai trò là “là tai mắt của trên, là người bạn của dưới” khi “cán bộ thanh tra như cái gương cho người ta soi mặt, gương mờ thì soi không được”. Để trở thành “cái gương soi”, Bác đã căn dặn: “cán bộ thanh tra cố gắng học tập, học cái hay, tránh cái dở, trau dồi đạo đức cách mạng, nâng cao trình độ lý luận, trình độ nghiệp vụ và trình độ chuyên môn để làm việc cho tốt thì đó mới là tiền đồ vẻ vang, là xứng đáng với sự tín nhiệm của Đảng và Chính phủ”[11].

Tóm lại, theo quan điểm của Hồ Chí Minh, công tác thanh tra phục vụ thiết thực cho sự lãnh đạo của Đảng và sự quản lý của Nhà nước đối với đời sống xã hội, do vậy công tác thanh tra có vai trò rất quan trọng và có tính chất thường xuyên của cơ quan lãnh đạo của Đảng và Nhà nước. Đây là một trong những nội dung cơ bản trong tư tưởng của Người về công tác thanh tra và những nội dung này phải được quán triệt đầy đủ trong quá trình xây dựng hệ thống các cơ quan Thanh tra Nhà nước trong điều kiện phát triển đất nước hiện nay.

1.1.2. Mục đích hoạt động thanh tra


Thanh tra là nhằm mục đích giúp cấp trên nắm được tình hình, giúp cấp dưới sửa chữa, uốn nắn những sai lầm, lệch lạc; giúp đỡ cấp dưới thực hiện chủ trương, chính sách, pháp luật. Người viết: “Chính sách đúng là nguồn gốc của thắng lợi. Song từ nguồn gốc đi đến thắng lợi thực sự*, còn phải tổ chức, phải đấu tranh. Khi đã có chính sách đúng, thì sự thành công hay thất bại của chính sách đó là do nơi cách tổ chức công việc, nơi l*ựa chọn cán bộ, và do nơi kiểm tra. Nếu ba điều ấy sơ sài, thì chính sách đúng mấy cũng vô ích”[12]. Người giải thích cụ thể rõ thêm: “Mục đích sự tổ chức công tác là: động viên toàn thể nhân dân hăng hái thi hành chính sách đã định. Mục đích lựa chọn cán bộ là dùng nhân tài cần phải hợp lý, chớ dùng thợ mộc làm nghề thợ rèn và cho họ hiểu rõ mọi mặt các công việc họ phải phụ trách. Mà muốn biết sự động viên ấy và sự thực hành ấy đã đến mức nào thì phải có kiểm tra”[13].

Bằng những kết luận thanh tra đánh giá đúng thực trạng việc thực hiện chủ trương, chính sách, pháp luật ở một địa phương, một ngành hoặc ở những đơn vị cơ quan được thanh tra, kiểm tra với những nhận xét ư*u, khuyết điểm; làm rõ những nguyên nhân và có những kiến nghị sửa chữa, khắc phục những khuyết điểm, thiếu sót mà thanh tra đã phát hiện và cơ quan được thanh tra thừa nhận, trong đó có những sơ hở, khiếm khuyết của chủ trương, chính sách, pháp luật, cơ chế quản lý... giúp cho cơ quan lãnh đạo của Đảng, Nhà nước không những nắm được tình hình thực hiện chủ trương, chính sách, pháp luật, chỉ thị, mệnh lệnh... mà còn có cơ sở thực tiễn để nghiên cứu, bổ sung, sửa đổi hoàn thiện chủ trương, chính sách, pháp luật, cơ chế quản lý... đã ban hành, hoặc ban hành chính sách, cơ chế quản lý mới phù hợp với sự phát triển của cách mạng. Quan điểm này của Hồ Chí Minh được thể hiện ngay trong Sắc lệnh 64/SL thành lập ngành thanh tra, trong đó ghi rõ: “Ban thanh tra có quyền đề nghị những điều cần sửa đổi trong các cơ quan”. Quan điểm đó thường xuyên được Hồ Chí Minh nhắc đến trong các bài nói, bài viết giáo huấn cho ngành thanh tra để luôn xác định đúng đắn mục đích của hoạt động thanh tra qua các thời kỳ lịch sử.


1.2.1. Kiểm tra, thanh tra phải kịp thời, cụ thể, khách quan


Hoạt động thanh tra giúp cấp trên nắm được tình hình, giúp cấp dưới sửa chữa, uốn nắn những sai lầm, lệch lạc; giúp đỡ cấp dưới thực hiện chủ trương, chính sách, pháp luật. Do vậy, công tác thanh tra luôn luôn đòi hỏi tính kịp thời. “Khi đã có Nghị quyết thì phải lập tức đốc thúc sự thực hành nghị quyết ấy, phải biết rõ sự linh hoạt và cách làm việc của cán bộ và nhân dân địa phương ấy. Có như thế mới kịp thời thấy rõ những khuyết điểm và những khó khăn để sửa đổi các khuyết điểm và tìm cách giúp đỡ để vượt qua mọi khó khăn”[14], như vậy, hoạt động thanh tra mới “giúp cơ quan, đơn vị được thanh tra nâng cao tinh thần trách nhiệm và ý thức tổ chức kỷ luật, vừa kịp thời biểu dương những người tốt, việc tốt, vừa kịp thời giáo dục và xử lý đúng mức đối với những người mắc khuyết điểm, sai lầm”[15].

Tính kịp thời đã được thể chế thành quy định mang tính nguyên tắc cho hoạt động thanh tra đó là “hoạt động thanh tra phải tuân theo pháp luật, bảo đảm tính chính xác, khách quan, công khai, dân chủ, kịp thời”

Thanh tra phải đến tận nơi, xem tận chỗ, đây là phương thức hoạt động đặc trưng của công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát. Theo quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã tiến hành thanh tra (hay kiểm tra, kiểm soát) phải đi đến tận nơi, xem tận chỗ. Người nói: “Thanh tra muốn biết, muốn thấy, muốn hiểu rõ sự thật ở cơ quan, địa phương nào đấy phải đến tận nơi, nghe ngóng, tìm hỏi, chịu khó. Quan liêu sẽ không làm được nhiệm vụ”[16]. Như vậy, theo quan điểm của Hồ Chủ tịch, công tác thanh tra không thể dung nạp được bất kỳ một biểu hiện quan liêu nào. Thanh tra là để giúp cấp trên nắm được đầy đủ, chính xác tình hình, đồng thời thanh tra cũng xem xét xem cấp dưới thực hiện chủ trương, chính sách, pháp luật như thế nào, có gì vướng mắc thì tháo gỡ, có gì sai trái thì chấn chỉnh. Theo quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, với phương pháp đi đến tận nơi, xem tận chỗ, thanh tra sẽ góp phần chống bệnh quan liêu. Người cho rằng: “Muốn chống bệnh quan liêu, bệnh bàn giấy; muốn biết các nghị quyết có được thi hành không, thi hành có đúng không; muốn biết ai ra sức làm, ai làm qua chuyện, chỉ có một cách là khéo kiểm soát”.
Trong tác phẩm “Một việc mà các cơ quan lãnh đạo cần thực hành ngay” đăng trên báo Sự thật số 103 ngày 30/11/1948, Người viết: “Hiện nay, nhiều nơi cán bộ lãnh đạo chỉ lo khai hội và thảo nghị quyết, đánh điện và gửi chỉ thị, sau đó thì họ không biết gì đến những nghị quyết đó thi hành đến đâu, có những khó khăn trở ngại gì, dân chúng có ra sức tham gia hay không. Họ quên mất kiểm tra (…) và kiểm tra không nên chỉ căn cứ vào các tờ báo cáo, mà phải đi đến tận nơi”[17].

Theo quan điểm của Hồ Chủ tịch, thanh tra phải cẩn thận, khách quan. Công tác thanh tra có vai trò rất quan trọng, giúp cho người lãnh đạo, cho cơ quan cấp trên nắm được tình hình chấp hành các chỉ thị, nghị quyết, chủ trương, chính sách, pháp luật ở các cơ quan, đơn vị cấp dưới như thế nào để có những biện pháp điều chỉnh, uốn nắn cho phù hợp. Do đó, những thông tin mà thanh tra cung cấp cho cơ quan cấp trên, cho người lãnh đạo đòi hỏi độ chính xác rất cao. Muốn có được độ chính xác đó, thái độ của người cán bộ thanh tra là phải cẩn thận, xem xét một cách tỷ mỷ, thấu đáo và đánh giá một cách khách quan, không áp đặt theo ý chủ quan của mình, Người khẳng định: “Thái độ của người cán bộ thanh tra là kiểm tra phải cẩn thận. Nghe không được thiên lệch, nghe một bên, nên nghe người này, nghe người kia. Phải khách quan. Chớ do ý muốn và suy đoán chủ quan của mình. Chống quan liêu: Thanh tra muốn biết, muốn thấy, muốn hiểu rõ sự thật ở cơ quan, ở địa phương nào đấy phải đến tận nơi, nghe ngóng, tìm hỏi, chịu khó. Phải cẩn thận, khách quan, điều tra, nghiên cứu kỹ lưỡng, chịu khó”[18]

1.2.2. Bảo đảm dân chủ trong hoạt động thanh tra


Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng một trong những cách thức bảo đảm dân chủ trong hoạt động thanh tra là phê bình và tự phê bình. Đây là yếu tố rất quan trọng tạo nên hiệu quả của công tác thanh tra. Trong bài “Một việc mà các cơ quan lãnh đạo cần thực hành ngay” đăng trên báo Sự thật số 103 ngày 30/11/1948, Người viết: “kiểm tra phải dùng cách thức thật thà tự phê bình và phê bình để tỏ rõ hết mọi khuyết điểm và tìm cách sửa chữa những khuyết điểm ấy. Như thế thì cán bộ càng thêm trọng kỷ luật và lòng phụ trách”[19].

Chủ tịch Hồ Chí Minh là một tấm gương sáng về ý thức đấu tranh phê bình và tự phê bình. Giữa năm 1950, khi nhận được báo cáo của Đoàn thanh tra do cụ Hồ Tùng Mậu, Tổng Thanh tra Chính phủ làm Trưởng đoàn về những vi phạm của chính quyền các tỉnh Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh khi huy động nhân tài, vật lực cho kháng chiến (vi phạm chính sách tôn giáo, huy động quá sức dân, quân phiệt, doạ dẫm, truy bức quần chúng...) Người đã viết thư gửi cho đồng bào Liên khu IV. Trong thư có đoạn viết “Như các ông thanh tra báo cáo lại những việc đó, tôi rất đau lòng. Dù Chính phủ đã ra lệnh trừng trị những cán bộ đó, tôi phải thật thà xin lỗi đồng bào vì những cán bộ sai lầm mà bị oan ức. Tôi thật thà tự phê bình khuyết điểm của tôi là giáo dục và lựa chọn cán bộ chưa được chu đáo. Các cấp Liên khu và tỉnh cũng phải chịu một phần trách nhiệm vì thiếu sự kiểm tra chặt chẽ các cán bộ cấp dưới”. Người nhấn mạnh: “Tôi mong rằng: từ nay các cán bộ đều biết phê bình và tự phê bình, đều cố gắng sửa đổi lối làm việc, theo đúng đường lối của Chính phủ và Đoàn thể, hợp với lòng dân”.

. Sự kết hợp giữa thanh tra của nhà nước và sự giám sát của nhân dân

Hồ Chí Minh luôn coi trọng hoạt động thanh tra, kiểm tra của Nhà nước cũng như hoạt động giám sát của nhân dân đối với Nhà nước, coi đó là những yếu tố không thể thiếu để xây dựng và hoàn thiện nhà nước của dân, do dân và vì dân. Tuy nhiên, theo Người, hai yếu tố này về bản chất phải kết hợp chặt chẽ với nhau, cộng hưởng với nhau để tạo động lực xây dựng, hoàn thiện và giữ vững bản chất cách mạng của nhà nước.

1.3.1 Quan hệ chặt chẽ với nhân dân là sức mạnh, là nguyên nhân của mọi thắng lợi của Cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng


Cách đây mấy trăm năm, đúc kết truyền thống của dân tộc từ ngàn đời, người anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi đã rút ra một chân lý vĩnh hằng: “Đẩy thuyền là dân, lật thuyền cũng là dân”, “Lật thuyền mới biết dân như nước”.

Tiếp thu truyền thống quý báu trên của dân tộc, Hồ Chí Minh luôn đặc biệt quan tâm tới việc giữ gìn sự gắn bó giữa cơ quan nhà nước, đội ngũ cán bộ, công chức nhà nước với nhân dân, gắn kết giữa hoạt động của các cơ quan nhà nước với sinh hoạt của quần chúng nhân dân. Người từng căn dặn: “Người lãnh đạo ắt phải có mối liên hệ chặt chẽ giữa mình với dân chúng. Giữ chặt mối liên hệ với dân chúng và luôn luôn lắng tai nghe ý kiến của dân chúng, đó là nền tảng lực lượng của Đảng và nhờ đó mà Đảng thắng lợi. Vì vậy, cách xa dân chúng, không liên hệ chặt chẽ với dân chúng, cũng như đứng lơ lửng giữa trời, nhất định thất bại.”[20]Xuất phát từ quan điểm này mà Người luôn chú trọng tới mọi mối liên hệ giữa Nhà nước với nhân dân. Sự kết hợp chặt chẽ giữa thanh tra, kiểm tra của Nhà nước với giám sát của nhân dân, theo Người, chính là một trong những mối liên hệ mang tính chất sống - còn của Nhà nước ta. Đó có thể coi là một trong những câu trả lời đầu tiên, lý giải cho câu hỏi tại sao phải kết hợp giữa thanh tra, kiểm tra của Nhà nước với giám sát của nhân dân trong luận điểm của Người.

1.3.2 Giám sát của nhân dân phải được coi như một mặt trong công tác thanh tra, kiểm tra của cơ quan nhà nước

Khi nói về hoạt động thanh tra, kiểm tra của Nhà nước, Hồ Chí Minh thường xuyên nhấn mạnh vai trò giám sát của nhân dân. Theo Người, sự giám sát của nhân dân không phải chỉ là yếu tố bên ngoài tác động vào cơ quan nhà nước, vào hoạt động thanh tra mà nó phải được coi như một yếu tố nội sinh, là một mặt của công tác thanh tra, kiểm tra của cơ quan nhà nước. Thậm chí, Người còn coi đây là cách tốt nhất để thanh tra, kiểm tra đối với đội ngũ cán bộ, công chức nhà nước. Trong tác phẩm “Sửa đổi lề lối làm việc”, Người viết: “Kiểm soát có hai cách: một cách là từ trên xuống. Tức là người lãnh đạo kiểm soát kết quả những công việc của cán bộ của mình. Một cách nữa là từ dưới lên. Tức là quần chúng và cán bộ kiểm soát sự sai lầm của người lãnh đạo và bày tỏ cái cách sửa chữa sự sai lầm đó. Cách này là cách tốt nhất để kiểm soát các nhân viên”[21]

Bên cạnh việc nhấn mạnh những yêu cầu về năng lực, về phẩm chất đạo đức đối với những người làm công tác thanh tra, kiểm tra, Hồ Chí Minh còn thường xuyên nhấn mạnh tới vai trò giám sát của quần chúng nhân dân là biện pháp bảo đảm cho hoạt động thanh tra, kiểm tra đúng đắn. Người căn dặn: “Phải tổ chức sự kiểm soát, mà muốn kiểm soát đúng thì cũng phải có quần chúng giúp mới được. Những người lãnh đạo chỉ trông thấy một mặt của công việc, của sự thay đổi của mọi người, trông từ trên xuống. Vì vậy, sự trông thấy có hạn. Trái lại, dân chúng trông thấy công việc, sự thay đổi của mọi người, một mặt khác: họ trông thấy từ dưới lên nên sự trông thấy cũng có hạn. Vì vậy, muốn giải quyết vấn đề cho đúng, ắt phải họp kinh nghiệm cả hai bên lại”[22].

1.3.3 Kết hợp tốt giữa thanh tra, kiểm tra của Nhà nước với sự giám sát của nhân dân sẽ góp phần hạn chế khuyết điểm, phát huy ưu điểm và bảo đảm hiệu quả hoạt động của cơ quan nhà nước.


Theo Hồ Chí Minh, kết hợp tốt giữa thanh tra, kiểm tra của Nhà nước với sự giám sát của nhân dân là nhân tố quan trọng để hạn chế khuyết điểm, phát huy ưu điểm và bảo đảm hiệu quả trong hoạt động của hệ thống cơ quan nhà nước. Người viết: “Tôi mong rằng:…Cán bộ cấp trên phải luôn luôn đôn đốc và kiểm tra công việc cán bộ cấp dưới. Nhân dân thì giúp Chính phủ và Đoàn thể kiểm tra công việc và hành vi của các cán bộ. Như vậy, thì chúng ta tránh khỏi nhiều khuyết điểm, phát triển được nhiều ưu điểm”[23]

Hiện nay, hoạt động của các cơ quan nhà nước nói chung và hoạt động thanh tra, kiểm tra của các cơ quan nhà nước nói riêng dường như vẫn khép kín trước nhân dân; nhân dân vẫn phải “kính nhi viễn chi” đối với các hoạt động thanh tra, kiểm tra của các cơ quan chức năng. “Tai”, “mắt” nhân dân nhìn thấy mọi biểu hiện lành mạnh hay không lành mạnh trong hoạt động của mọi cơ quan, mọi chức danh nhà nước nhưng “tai”, “mắt” ấy vì nhiều lý do vẫn ít khi được cơ quan nhà nước trọng dụng thực sự. Trong các báo cáo tổng kết hoạt động của các cơ quan, tổ chức, khi đánh giá về những nguyên nhân khách quan và chủ quan tác động tới kết quả và hiệu quả công việc, chúng ta khó có thể gặp được những dòng nào đánh giá về vai trò, ảnh hưởng của nhân dân, của quần chúng. Đây cũng là vấn đề mà chúng ta hiện nay cần phải suy nghĩ một cách nghiêm túc.

1.3.4 Phải trân trọng và cầu thị đối với sự giám sát của nhân dân


Một điều hết sức quan trọng trong luận điểm của Hồ Chí Minh về việc kết hợp giữa thanh tra, kiểm tra của Nhà nước với giám sát của nhân dân là thái độ trân trọng của một người đứng đầu Đảng, đứng đầu Nhà nước đối với nhân dân trong việc kêu gọi nhân dân thực hiện quyền giám sát đối với Nhà nước. Chúng ta hãy xem lại cách kêu gọi nhân dân của Người: “Xin đồng bào hãy phê bình, giúp đỡ giám sát công việc Chính phủ”[24]; “Chính phủ rất mong đồng bào giúp đỡ, đôn đốc, kiểm soát và phê bình để làm trọn nhiệm vụ của mình là người đày tớ trung thành tận tụy của nhân dân”[25]. Ngay đối với những việc mà Nhà nước chưa đáp ứng được đòi hỏi của nhân dân, Người không đổ lỗi cho khách quan mà thẳng thắn thay mặt Chính phủ nhận lỗi và xin nhân dân lượng thứ “Còn những việc làm, mà chưa làm được thì xin đồng bào nguyên lượng”[26]. Lời lẽ của người đứng đầu Đảng cầm quyền, đứng đầu Nhà nước nói với dân rất gần gũi, ấm áp tình người nhưng cũng chứa đựng đầy trách nhiệm như vậy dường như xoá bỏ mọi khoảng cách giữa Người, giữa Đảng và Nhà nước do Người đứng đầu với quần chúng nhân dân. Điều này là hiếm xảy ra ở một nước vốn trải qua hàng ngàn năm phong kiến, nơi mà ý thức hệ phong kiến về đẳng cấp ngay đến thời điểm hiện nay cũng đâu phải đã xoá tan. Đây có lẽ là yếu tố “thần” nhất, cốt lõi nhất, tinh tuý nhất trong luận điểm của Người về sự kết hợp giữa thanh tra, kiểm tra của Nhà nước với giám sát của nhân dân, là một trong những yếu tố góp phần tạo nên vóc dáng Hồ Chí Minh trong lòng dân tộc. Để có được thái độ, ý thức đối với nhân dân như của Hồ Chí Minh chắc chắn đội ngũ cán bộ, công chức chúng ta còn phải nỗ lực rất nhiều.

Như vậy, theo Hồ Chí Minh, kết hợp chặt chẽ giữa thanh tra, kiểm tra của Nhà nước với giám sát của nhân dân là một yêu cầu tất yếu đặt ra trong quá trình xây dựng và hoàn thiện Nhà nước của dân, do dân và vì dân. Trong một nhà nước thực sự của dân, do dân và vì dân thì thanh tra, kiểm tra của Nhà nước và giám sát của nhân dân đối với nhà nước phải gắn bó chặt chẽ, hoà đồng với nhau, là hai mặt không thể thiếu của một thể thống nhất và là yếu tố bảo đảm hiệu quả cho nhau. Có kết hợp chặt chẽ thanh tra, kiểm tra của Nhà nước với giám sát của nhân dân thì chúng ta mới có thể xây dựng được Nhà nước thực sự của dân, do dân và vì dân.

. Về trách nhiệm của lãnh đạo Đảng và Chính quyền các cấp đối với công tác thanh tra

1.4.1. Phải trực tiếp kiểm tra, thanh tra và lãnh đạo, chỉ đạo công tác thanh tra.


Sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ đảng và chính quyền có ý nghĩa quyết định đến hiệu lực, hiệu quả hoạt động của công tác thanh tra. Tại Hội nghị cán bộ thanh tra toàn miền Bắc ngày 19/4/1957, Người huấn thị: Công tác thanh tra là rất quan trọng, “vì vậy các cấp chính quyền cũng như Đảng phải giúp đỡ cho cán bộ thanh tra làm tròn nhiệm vụ đó”. Người nói: “Tôi được báo cáo nhiều nơi, khu, tỉnh không xem trọng thanh tra, nhiều khu, tỉnh chưa có thanh tra, nơi nào có rồi cũng ít giúp đỡ, săn sóc. Thế là không đúng. Cán bộ thanh tra giúp mình xem xét lại chủ trương, chính sách đúng hay không đúng, được thực hiện hay không, nên từ Trung ương trở xuống cần giúp đỡ, xem trọng thanh tra. Không những khu, tỉnh, các Bộ cũng thế. Nếu thanh tra làm được kịp thời ta sẽ tránh được sai lầm. Nếu không có lỗ tai, con mắt, các cơ quan Trung ương, khu, tỉnh sẽ không biết việc dưới như thế nào”.
Trong bài nói chuyện tại Hội nghị cán bộ thanh tra toàn miền Bắc năm 1960, Hồ Chủ tịch chỉ rõ: “Một số Ban Thanh tra chưa được củng cố, cán bộ còn thiếu vì các cấp lãnh đạo địa phương chưa nhận rõ công tác thanh tra là quan trọng, nên chưa chú ý tăng cường cán bộ đúng mức, chưa giúp đỡ, lãnh đạo nó một cách chặt chẽ”.

Trong bài Huấn thị về công tác thanh tra tại Hội nghị thanh tra toàn miền Bắc năm 1961, một lần nữa, Chủ tịch Hồ Chí Minh lại đề cập đến trách nhiệm của các Bộ, ngành, các cấp đối với công tác thanh tra. Người khẳng định: “Các Bộ, ngành, các cấp nhất định phải có cơ quan kiểm tra của mình, để theo dõi ngay từ đầu, để kịp thời uốn nắn, sửa chữa các sai lầm, thiếu sót có thể xảy ra. Mà cũng vì vậy, cán bộ lãnh đạo nhất định phải trực tiếp chỉ đạo cơ quan thanh tra của mình”.

1.4.2. Phải quan tâm, giúp đỡ và yêu cầu thanh tra làm tròn nhiệm vụ


Thanh tra là để phục vụ sự lãnh đạo của Đảng và sự quản lý của Nhà nước cho nên Hồ Chủ tịch luôn nhắc nhở các cấp Uỷ đảng và chính quyền phải quan tâm đến công tác thanh tra. Người nói: “Các Ban Thanh tra làm việc khá hay kém, nhanh hay chậm, trước hết do bản thân mỗi Ban Thanh tra cố gắng, mỗi cán bộ thanh tra cố gắng nhiều hay ít; nhưng còn do các cấp lãnh đạo của Đảng, chính quyền địa phương có quan tâm đến công tác thanh tra hay không. Các cấp lãnh đạo cần quan tâm giúp đỡ các Ban Thanh tra làm việc tốt”.

Sự quan tâm của các cấp uỷ đảng và chính quyền đối với công tác thanh tra, theo quan điểm của Hồ Chủ tịch, được thể hiện ở các mặt sau đây:

Thứ nhất: Phải quan tâm đến việc tăng cường cán bộ, củng cố tổ chức của các cơ quan thanh tra. Hồ Chủ tịch cho rằng: ở những nơi mà các Ban Thanh tra chưa được củng cố, cán bộ còn thiếu là những nơi mà các cấp lãnh đạo chưa quan tâm đến công tác thanh tra. Người khẳng định, quan tâm đến công tác thanh tra trước hết là quan tâm đến việc tăng cường công tác tổ chức, tăng cường cán bộ thanh tra cả về số lượng và chất lượng.

Trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”, khi đề cập đến vấn đề cán bộ, Hồ Chủ tịch nêu ra 5 biện pháp mà các cấp lãnh đạo áp dụng để phát huy năng lực cán bộ. Đó là:

1) Chỉ đạo- Thả cho họ làm, thả cho họ phụ trách, dù sai lầm chút ít cũng không sợ.
2) Nâng cao - Luôn luôn tìm cách cho họ học thêm lý luận và cách làm việc, làm cho tư tưởng, năng lực của họ ngày càng tiến bộ.
3) Kiểm tra - Không phải ngày nào cũng kiểm tra. Nhưng thường thường kiểm tra để giúp họ rút kinh nghiệm, sửa chữa khuyết điểm, phát triển ưu điểm...
4) Cải tạo - Khi họ sai lầm thì dùng cách “thuyết phục” giúp cho họ sửa chữa.
5) Giúp đỡ - Phải cho họ điều kiện sinh sống đầy đủ mà làm việc. Khi họ ốm đau phải có thuốc thang. Tuỳ theo hoàn cảnh mà giúp họ giải quyết vấn đề gia đình. Những điều đó rất quan hệ với tinh thần cán bộ và sự thân ái đoàn kết trong Đảng.

Thứ hai: Phải quan tâm đến việc thực hiện các kết luận, kiến nghị của Thanh tra. Người cho rằng, Thanh tra là công cụ, là “tai, mắt” của người lãnh đạo, người quản lý cho nên hiệu lực, hiệu quả của công tác thanh tra phụ thuộc rất nhiều vào việc các cơ quan lãnh đạo có quan tâm đến việc thực hiện các kết luận, kiến nghị của Thanh tra hay không. Nếu như các kết luận, kiến nghị của Thanh tra không được các cấp uỷ và chính quyền các cấp quan tâm, thực hiện thì ý nghĩa, vai trò của công tác thanh tra bị ảnh hưởng, uy tín của Thanh tra cũng sẽ giảm sút và nói chung công tác thanh tra sẽ kém hiệu lực và hiệu quả.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh là một tấm gương mẫu mực của một người lãnh đạo luôn quan tâm đến các kết luận, kiến nghị của Thanh tra. Giữa năm 1950, ngay sau khi nghe báo cáo kết quả thanh tra của Đoàn thanh tra Chính phủ về những sai lầm nghiêm trọng trong việc huy động nhân tài, vật lực cho kháng chiến ở các tỉnh Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, Người đã chỉ đạo Chính phủ xử lý nghiêm minh những cán bộ sai phạm, đồng thời viết thư nhận lỗi với đồng bào Liên khu IV. Trong thư Người còn nêu ra các biện pháp sửa chữa, ngăn ngừa những hiện tượng sai phạm đó, trong đó có đoạn viết: “Cán bộ cấp trên phải luôn luôn đôn đốc, kiểm tra công việc của cán bộ cấp dưới, nhân dân thì giúp Chính phủ và Đoàn thể kiểm tra công việc và hành vi của các cán bộ”.

Trong vụ án Trần Dụ Châu nhận hối lộ, biển thủ công quĩ... gây hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng đến công tác hậu cần quân đội, làm giảm sức chiến đấu của quân đội trong kháng chiến. Người đã kịp thời chỉ đạo các cơ quan chức năng xử lý nghiêm minh vụ việc này, củng cố lòng tin của đồng bào, chiến sĩ đối với Đảng và Chính phủ.

Tóm lại, theo quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, công tác thanh tra có một vị trí, vai trò rất quan trọng. Nó là chức năng thiết yếu của quản lý, là công cụ phục vụ sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước. Thanh tra luôn luôn gắn liền với quản lý, là một nội dung của quản lý. Thanh tra còn là một phương thức phát huy dân chủ, tăng cường pháp chế, phát hiện và xử lý những biểu hiện quan liêu, tham ô, lãng phí và những hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động quản lý. Xuất phát từ tính chất, vị trí và vai trò của công tác thanh tra nên đòi hỏi sự quan tâm, giúp đỡ, sự trực tiếp chỉ đạo, lãnh đạo của cấp uỷ và chính quyền các cấp. Đây là một trong những yếu tố quyết định đến hiệu lực, hiệu quả công tác thanh tra.

TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ CÔNG TÁC THANH TRA


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét